“Việt Nam nằm trong số những nước có chỉ số bình đẳng giới cao nhất thế giới”. Đó là nhận định của Hiệp hội Nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới (WIN) sau khi khảo sát điều tra trên phạm vi toàn cầu về bình đẳng giới vừa được công bố. Vậy mà vẫn có cái nhìn phiến diện về bình đẳng giới ở Việt Nam.

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước ta được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng. (Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà)

Những con số biết nói

Giữa lúc dư luận thế giới đang hoan nghênh ca ngợi Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, thì một số đối tượng lại hằn học với kết quả này, cố tình xuyên tạc về bình đẳng giới của Việt Nam. Hiện, chúng ta đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái thì có người lại xuyên tạc vấn đề này. Thế nhưng sự thật vẫn là sự thật. Những con số biết nói sau đây đã vạch trần sự xuyên tạc của những người vẫn còn có cái nhìn phiến diện về bình đẳng giới ở Việt Nam.

Theo số liệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới (theo Chương trình Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020), Việt Nam thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên (ngồi thứ 2 từ phải sang) tham dự phiên họp của Quốc hội

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng. Những đồng chí nữ lãnh đạo tiêu biểu trong các nhiệm kỳ gần đây như: Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV; đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV; đồng chí Trương Thị Mai hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài hiện là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…

Trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 19 đồng chí nữ (9,5%), Quốc hội khóa XV đạt tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay; Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16% đồng chí nữ, HĐND cấp tỉnh có 29% đại biểu nữ… Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%. Tại tỉnh Thái Nguyên, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là phụ nữ cũng tăng dần trong các nhiệm kỳ gần đây. Hiện nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là phụ nữ. Nhiều cán bộ chủ trì các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh là phụ nữ.

Các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên khoá XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định: “Một trong những thành công rất nổi bật của công tác lãnh đạo, chỉ đạo đại hội đảng các cấp thời gian vừa qua là cán bộ nữ tham gia cấp ủy cả 3 cấp đều tăng về số lượng và chất lượng. Đây là điều hết sức đáng vui mừng. Điều đáng vui mừng hơn nữa là có hơn 4.200 cán bộ nữ được lựa chọn, giới thiệu và bầu giữ chức vụ cán bộ chủ chốt trong Đảng và chính quyền ở cả 3 cấp này”.

Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (đạt trên 30%). Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đều tăng so với nhiệm kỳ 2010 - 2015 ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện 24,62%, cấp xã 21,71%; tỷ lệ này đã được nâng lên ở nhiệm kỳ 2016 - 2021 tương ứng là 26,54%, 27,85% và 26,59%. Đến cuối nhiệm kỳ 2011 - 2015, tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã lần lượt là: 32,14%; 32,64%; 21,95%.

Tại Thái Nguyên, tỷ lệ nữ tham gia Quốc Hội và HĐND các cấp đạt tỷ lệ cao và tăng so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ đảng viên nữ năm 2022 tăng 4,69% so với năm 2016. Nữ tham gia cấp ủy và giữ vị trí lãnh đạo, quản lý đều tăng so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tăng 6,28%, cấp huyện tăng 3,28%, cấp xã tăng 4,04%. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên có đồng chí nữ Bí thư Tỉnh ủy.

Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên ngày càng khẳng định hình ảnh đẹp của những nữ doanh nhân nhân ái, tài năng, có trách nhiệm với cộng đồng, góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. (Trong ảnh: Đại diện Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên tặng quà hộ nghèo ở huyện Định Hoá, Thái Nguyên)

Trong lĩnh vực kinh tế, các hội viên phụ nữ của Thái Nguyên đã tích cực hưởng ứng, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhiều phụ nữ đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư mở rộng quy mô, tập trung cây trồng chủ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều phụ nữ hăng hái thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Sản xuất - kinh doanh giỏi”; chủ động nắm bắt thị trường, trở thành những doanh nhân giỏi, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của tỉnh. Ngoài ra, phụ nữ Thái Nguyên cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ...

Theo số liệu thống kê mới đây của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp của Việt Nam do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia; nhiều doanh nhân nữ có uy tín và xếp hạng cao trong khu vực và thế giới. Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, nhiều phụ nữ đã đoạt giải khu vực và quốc tế. Các nữ đại sứ, nữ cán bộ ngoại giao, nữ công an, nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc (LHQ) đã trở thành các "sứ giả" của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nước ta trong hoạt động đối ngoại… Nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học tăng lên đáng kể. Nhiều phụ nữ là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Có 20 tập thể và 49 nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực đã được trao tặng giải thưởng Kô-va-lép-xkai-a trong 35 năm qua; hàng nghìn nữ trí thức có nhiều thành công trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học, mang lại giá trị kinh tế cao và tính nhân văn cao cả, sâu sắc. 

Việt Nam cũng đã cử các nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi; con số này hiện chiếm khoảng 16% lực lượng của Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, cao hơn tỷ lệ khuyến khích của LHQ.

Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ Đặng Thị Hoa, kiêm cán bộ y tế thôn bản xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) vận động đồng bào người Dao tích cực giúp đỡ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến sự tiến bộ của phụ nữ

Ý kiến của một số người cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không quan tâm đến sự tiến bộ của phụ nữ là hoàn toàn không có cơ sở. Trong suốt hơn 90 năm từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Vì vậy, sự nghiệp giải phóng phụ nữ không chỉ là công việc riêng của phụ nữ mà gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Chỉ tính riêng trong 20 năm trở lại đây, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ, như: Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới”; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đặc biệt, trong Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị "Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng" đã nhấn mạnh về cơ cấu cán bộ nữ: Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ... Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới; đồng thời, có giải pháp hiệu quả chuẩn bị nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu dài”.

Việc chăm sóc bệnh nhân nặng tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cơ bản đều do nữ hộ lý, kỹ thuật viên đảm nhiệm

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua đã tiếp tục khẳng định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế".

Từ các chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ để “nam nữ bình quyền” được khẳng định nhất quán từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, quy định rõ: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”, “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”, “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.

Việt Nam cũng đã ký kết tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW) và đã được từng bước luật hóa trong văn bản pháp luật, các chính sách có liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Hình sự; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật,...

Nữ sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Ông Jesper Morch, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đã đánh giá: “Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các chỉ số về bình đẳng giới qua việc cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục tới các trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ và nam giới. Sự chênh lệnh về tỷ lệ nhập học giữa các em nữ và các em nam là rất thấp. Tỷ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm”.

Cần hiểu đúng về bình đẳng giới

Mục tiêu bình đẳng giới đã được ghi rõ trong Luật Bình đẳng giới của Việt Nam là “xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.

Thực tế hiện nay, nhiều người vẫn có cái nhìn sai lệch về bình đẳng giới. Đã có những ý kiến cho rằng, “bình đẳng giới thì phụ nữ phải làm những công việc dành cho đàn ông và ngược lại”. Nhưng, họ không nhớ rằng, thiên chức của người phụ nữ và nam giới khác nhau. Trên thực tế, một số công việc chỉ phù hợp với phụ nữ, không phù hợp với đàn ông (ví dụ như giáo viên mầm non). Một số công việc lại chỉ cơ bản phù hợp với nam giới, không phù hợp với phụ nữ (ví dụ như lái tàu ngầm...). Một phụ nữ muốn ở nhà làm nội trợ, chăm sóc bố mẹ, chồng con, chẳng có gì là mâu thuẫn với các phong trào nữ quyền nếu như họ hoàn toàn muốn như vậy và không bị ép buộc. Phụ nữ và cả nam giới sẽ không cảm thấy bất bình đẳng khi mà họ được sống vui vẻ, làm được những gì họ mong muốn trong cuộc đời mình nhưng không vi phạm pháp luật.

Có người suy nghĩ rằng, “bình đẳng giới là đấu tranh cho phụ nữ, chống lại đàn ông”. Điều này là không đúng. Về mặt pháp lý, theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới thì bình đẳng giới là đấu tranh cho mọi giới tính, cho tất cả mọi người. Mục tiêu của bình đẳng giới là giới tính không phải giới hạn. Trong xã hội hiện nay, đã có nhiều nam giới đang phải chịu không ít bất công, hạn chế, khuôn mẫu xuất phát từ giới tính của mình. Ví dụ như những khuôn mẫu về sự nam tính, đàn ông phải mạnh mẽ, kiềm chế cảm xúc, phải là trụ cột gia đình... Những niềm tin đó đang khiến nhiều người phải chịu gánh nặng, không được sống đúng với con người thật của mình. Bình đẳng thực chất chỉ đạt được khi đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của tất cả các giới tính.

Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) với chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương

Vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu cụ thể của chiến lược, trong lĩnh vực chính trị, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030; tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Trong đời sống gia đình, giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới...

Chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình phát triển của LHQ tại Việt Nam (UNDP), bà Caitlin Wiesen mới đây đã đánh giá cao tỷ lệ tham gia của phụ nữ Việt Nam trong các cơ quan dân cử cũng như đề cao kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 30,26%, tăng 3,54% so với nhiệm kỳ trước. Bà Caitlin Wiesen cũng chia sẻ với tư cách là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ giai đoạn 2020 - 2021, Việt Nam đóng vai trò tiên phong ở khu vực trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Bên cạnh đó, bà Caitlin Wiesen cam kết UNDP sẽ tiếp tục nỗ lực cùng Chính phủ Việt Nam xây dựng hệ sinh thái thuận lợi cho các nữ doanh nhân và cơ sở của họ phát triển.

Đại sứ Vê-nê-zuê-la tại Việt Nam, Tatiana Pugh Moreno đề cập đến vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh vai trò của phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới ngay khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập giải phóng dân tộc, phụ nữ Việt Nam được biết đến với tên gọi “đội quân tóc dài”. Ngày nay, trong công cuộc Đổi mới và phát triển kinh tế, phụ nữ tiếp tục khẳng định vai trò của mình khi tham gia tích cực và đảm nhận ngày càng nhiều hơn các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Bà Tatiana Pugh Moreno đánh giá cao Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Qua 20 năm gây dựng và phát triển thương hiệu, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chè Hà Thái (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đạt nhiều thành tích xuất sắc, giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Nổi bật là giải Bạc trong Cuộc thi Trà vàng quốc tế vùng Bắc Mỹ tại Canada; được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam vinh danh Nghệ nhân Thương hiệu quốc gia. (Trong ảnh: Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hiền - đứng thứ 4 từ trái qua cùng Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao Việt Nam - Vương Quốc Anh về nền kinh tế và thương mại năm 2022 tại London)

Đại sứ Cô-lôm-bi-a tại Việt Nam, Miguel Ángel Rodríguez Melo nhấn mạnh Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách, chương trình tạo cơ hội phát triển cho phụ nữ trên mọi lĩnh vực, nhằm thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5 (MDG5) của LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong khuôn khổ Chương trình Nghị sự 2030. Đại sứ Miguel Ángel Rodríguez Melo cũng đề cao việc Việt Nam không ngừng bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ như: Đưa ra những quy định cụ thể về bình đẳng giới trong Hiến pháp, thông qua Luật Bình đẳng giới vào năm 2006 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Những công cụ pháp lý này có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khi mà bất bình đẳng giới xuất hiện trong công sở hay đơn giản như phân công việc nhà và tình trạng bạo lực gia đình gia tăng. Đó là những tiếng nói rất công tâm, nghiêm túc của các chuyên gia, các nhà ngoại giao trên thế giới về vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam. Rất mong những người còn có cái nhìn sai lệch, thiển cận về bình đẳng giới ở Việt Nam hãy nghiên cứu kỹ các vấn đề nói trên để nhìn nhận lại vấn đề này. Các bạn có thể khảo sát tại tỉnh Thái Nguyên của chúng tôi khi mà nữ giới đang dần song hành cùng nam giới ở nhiều lĩnh vực, vị trí công tác để khẳng định về bình đẳng giới cũng như vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội.

* Thông tin trong bài viết có tham khảo một số tài liệu liên quan như: Bác Hồ với phụ nữ, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Luật Bình đẳng giới,…

Trần Nhung
thainguyen.gov.vn