Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại Bản Di chúc vô cùng quý báu và thiêng liêng cùng với muôn vàn tình thân yêu cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cho thanh niên, nhi đồng. Di chúc là một văn kiện lịch sử quan trọng, là tài sản quý giá của Đảng và Nhân dân, được kết tinh từ trí tuệ và tư tưởng của một trái tim vĩ đại, suốt đời hy sinh hạnh phúc bản thân để hiến dâng cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Chính vì vậy, Di chúc của Người là lời hiệu triệu đến đông đảo tầng lớp Nhân dân, truyền tải, lan toả ý chí, quyết tâm sắt đá, tin vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chính nghĩa và chân lý. Trải qua 55 năm (1969 - 2024), Bản Di chúc của Bác luôn vẹn nguyên giá trị lịch sử và thời đại, về cả lý luận lẫn thực tiễn, luôn định hướng, dẫn dắt và sáng soi cho con đường cách mạng của thanh niên.

Ý nghĩa của Bản Di chúc thiêng liêng của Bác với thanh niên

Di chúc của Bác để lại cho chúng ta chỉ với hơn một nghìn từ, vô cùng ngắn gọn, súc tích, nhưng Người đã dành khoảng thời gian bốn năm (từ năm 1965 đến năm 1969) để viết và chỉnh sửa. Ngày đầu tiên Bác chọn để viết Di chúc là vào lúc 9 giờ sáng ngày 10/5/1965; tiếp sau đó, từ ngày 11 đến ngày 19/5/1965, Người đã dành mỗi ngày một đến hai tiếng để viết. Sau này, vào mỗi dịp sinh nhật hàng năm Bác lại đem bản Di chúc ra xem lại, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới của đất nước. Với ngôn từ vô cùng giản dị và gần gũi, nhưng Di chúc của Bác chứa đựng rất nhiều tình cảm, ý chí và niềm tin của Bác đối với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là sự tổng kết quá trình chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Nhân dân và lãnh đạo công tác thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong Bản Di chúc, sau phần nói về Đảng, Bác đã dành một phần căn dặn thanh niên, Người viết “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” [1]. Đó không chỉ là lời nhắn nhủ, niềm tin yêu lớn lao của Bác đối với tuổi trẻ Việt Nam mà còn cho thấy tầm vóc của nhà tư tưởng vĩ đại Hồ Chí Minh trong việc xác định công tác xây dựng, bồi dưỡng nguồn lực con người mang ý nghĩa chiến lược sâu sắc và lâu dài, bởi theo Người “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” [2]. Việc xác định vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng được thực hiện ngay từ lúc ban đầu khi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn thanh niên làm đối tượng chính. Đến mùa xuân đầu tiên của đất nước, trong thư gửi thanh niên và nhi đồng dịp Tết Nguyên đán năm 1946, Người cũng gửi gắm tình cảm và niềm tin cho thanh niên qua những câu thơ đầy ý nghĩa:“Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” [3].

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc. Do đó, giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên" luôn là nhiệm vụ, mục tiêu, định hướng quan trọng trong tiến trình bảo vệ và xây dựng đất nước.

Xây dựng lớp thanh niên vừa "hồng" vừa "chuyên"

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên" chính là phải kết hợp phẩm chất và năng lực, “đức” và “tài”, bởi “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân” [4]. Trong mối quan hệ đức - tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đức là gốc, coi rèn đức là nền tảng để luyện tài, để xây dựng con người, Người từng khẳng định: “Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì lợi ích cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người” [5]. Bên cạnh đó, thanh niên cần có khát khao, hoài bão, lý tưởng sống cao đẹp, Người từng căn dặn thanh niên“Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi Nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho Nước nhà” [6].

Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp thanh niên luôn nêu cao lý tưởng cách mạng, sẵn sàng hy sinh tuổi xuân, hy sinh xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đến khi nước nhà thống nhất, non sông nối liền một dải, các thế hệ thanh niên tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tích cực học tập, lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học, công nghệ, tham gia các phong trào hành động cách mạng.

Đóng góp trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, lớp lớp thanh niên Bạc Liêu không ngại gian khổ, hy sinh, tình nguyện thoát li gia đình đi làm cách mạng, luôn sẵn sàng dấn thân, cống hiến, đi đến những nơi mà Tổ quốc cần. Trong giai đoạn hiện nay, tuổi trẻ Bạc Liêu tiếp tục phát huy truyền thống cha anh, luôn ra sức thi đua, không ngừng đổi mới để xây dựng Đoàn về chính trị, tổ chức và hành động. Bám sát đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đáp ứng đúng yêu cầu nhiệm của cách mạng, phù hợp với lợi ích chính đáng, hợp pháp và khát vọng cao đẹp của thanh niên; quan tâm, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thanh thiếu nhi; xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn có đạo đức và năng lực thực tiễn, am hiểu và gắn bó mật thiết với thanh niên, định hướng cho thanh niên học tập, rèn luyện, phấn đấu, xung kích, tình nguyện đi đầu trên các lĩnh vực, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình góp phần chung vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, các cấp bộ Đoàn đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động nổi bật như: Tổ chức diễn dàn “Nghe thanh niên nói” thông qua hình thức Thường trực Tỉnh đoàn trực tiếp tham gia đối thoại với cán bộ, đoàn viên, thanh niên tại 07 huyện, thị xã, thành phố và Đoàn trường Đại học, Cao đẳng, Đoàn Khối; tổ chức thành công diễn đàn “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” năm 2024; tổ chức tốt 03 phong trào hành động cách mạng và 03 chương trình đồng hành với thanh niên với tổng các công trình phần việc trị giá trên 19 tỷ đồng; giới thiệu vượt chỉ tiêu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp trong năm 2024 là 957/918 đoàn viên;…

Di chúc Hồ Chí minh soi sáng con đường cách mạng của thanh niên

Để bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc của Người, các cấp bộ Đoàn cần tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cho thế hệ trẻ. Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho thanh niên; xây dựng giá trị hình mẫu cho thanh niên theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Cùng với đó cần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong tổ chức các phong trào hành động cách mạng, tạo môi trường thực tiễn để thanh thiếu nhi rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Đồng thời, chú trọng các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên trong học tập, trong khởi nghiệp, lập nghiệp, trong rèn luyện và phát triển kỹ năng….

Chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn vững mạnh, làm cơ sở để thực hiện tốt chức năng giáo dục thanh thiếu nhi. Lấy nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên làm cơ sở để tổ chức hoạt động; khơi dậy ước mơ, hoài bão cho thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, đào tạo thế hệ thanh niên có ý chí, quyết tâm, bản lĩnh kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Kỷ niệm 55 thực hiện Di chúc của Người là dịp để thế hệ trẻ hôm nay tự soi rọi, nhắc nhở chính mình, không ngừng học tập và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, không ngại khó khăn, thử thách phấn đấu để trở thành lực lượng xung kích thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương; kiên định một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và Nhân dân ta đã lựa chọn. Mỗi thanh niên - bằng những việc làm cụ thể góp sức mình cùng với các cấp, các ngành và toàn xã hội thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI; đồng thời góp phần phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr216.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr167.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr292.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr135.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 455.

Xuân Thủy