Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới xác định: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân…
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ra mắt Quyển sách Kiên định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch. Tư liệu phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của cán bộ, Đảng viên và người dân.
Quyển sách Kiên định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch giới thiệu trong chuyên đề “Giới thiệu sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trên sóng Truyền hình Hậu Giang.
28 bài viết trong Quyển sách được Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sưu tầm, tuyển chọn từ những bài viết được đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị trong những năm gần đây.
Quyển sách gồm hai phần:
Phần thứ 1: Kiên định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Phần thứ 2: Đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái.
Nội dung sách làm rõ sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại mới, sự vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các giai đoạn. Các tác giả phân tích, phản bác những luận điệu sai trái về các vấn đề như: Tôn trọng sự thật lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám, phòng, chống thông tin xấu độc và quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin.
Bảo vệ chủ nghĩa Mác – LêNin trong tình hình mới
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hữu Nghĩa khẳng định: “Trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng được nhiệm vụ lịch sử mà không một học thuyết nào có thể thay thế được. Sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin được thể hiện ở chỗ: nó soi sáng các nhiệm vụ lịch sử của nhân loại, nhiệm vụ giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công, tha hóa.”
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, chủ nghĩa Mác – Lênin được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và thời đại. Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho cách mạng.
Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, những thành tựu trong công cuộc đổi mới, xây dựng Chủ nghĩa xã hội hơn 30 năm qua khẳng định sức sống, ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với cách mạng Việt Nam.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều đổi mới về tư duy lý luận, nhận thức lại chủ nghĩa Mác – Lênin. Tinh thần là khẳng định sức sống, giá trị bền vững của những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Loại bỏ những nhận thức không đúng, ấu trĩ, giáo điều, duy ý chí về chủ nghĩa Mác – Lênin, về Chủ nghĩa xã hội. Phân biệt những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin với những luận điểm cụ thể của các nhà kinh điển gắn liền với những hoàn cảnh cụ thể lúc đó mà sau này đã bị lịch sử vượt qua.
Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới của nước ta và thời đại ở nhiều vấn đề. Không có sự vận dụng, phát triển sáng tạo đó thì không có những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân Việt Nam đạt được qua hơn 30 năm đổi mới.
Tránh nhân danh kiên định để ngại đổi mới
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng, Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh truyền đạt cho cán bộ, Đảng viên và Nhân dân tỉnh Hậu Giang chuyên đề Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Mới đây Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng, Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh truyền đạt cho cán bộ, Đảng viên và Nhân dân tỉnh Hậu Giang chuyên đề Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chuyên đề làm rõ những vấn đề về tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh ngày nay.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng, Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cần phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vì phát triển là đặc trưng, là giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Kiên định là cơ sở để vận dụng, phát triển sáng tạo đúng đắn. Nếu không kiên định thì khi vận dụng, dễ dao động, chệch hướng, mất lập trường, dẫn tới vận dụng, phát triển không có nguyên tắc, tùy tiện, không khoa học, rơi vào xét lại, dẫn tới sai lầm, thất bại. Nếu kiên định nhưng không vận dụng sẽ rơi vào bảo thủ, trì trệ, giáo điều.
Vận dụng, phát triển sáng tạo, khoa học chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới hiện nay sẽ góp phần củng cố niềm tin, sự hiểu biết, lập trường, thái độ để tăng cường, bồi đắp bản lĩnh, củng cố sự kiên định.
Bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bao hàm ở tính mở, đòi hỏi phải luôn được bổ sung, phát triển từ tổng kết thực tiễn mới. Đòi hỏi chúng ta vừa phải kiên định vừa phải vận dụng phát triển sáng tạo mới giải quyết được những tình huống, vấn đề phát sinh.
Trên nền tảng kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển hết sức sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Đảng đề ra mô hình Chủ nghĩa xã hội Việt Nam với tám đặc trưng là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng lưu ý khi vận dụng, phát triển, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới cần phải trên cơ sở kiên định bản chất khoa học, cách mạng vốn có. Việc vận dụng này phải dựa trên những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, không hoang mang, dao động, mất phương hướng. Tránh nhân danh “kiên định” để ngại đổi mới, không dám bổ sung, vận dụng, phát triển sáng tạo, rơi vào bảo thủ, trì trệ, giáo điều.
Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch
Bài viết Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch – Một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của công tác tư tưởng, lý luận hiện nay, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hữu Nghĩa – nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ rõ: trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác tư tưởng, lý luận. Bởi công tác này có quan hệ trực tiếp đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối cách mạng của Đảng, mục tiêu, lý tưởng của cách mạng, giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hữu Nghĩa hệ thống lại: Đảng ta có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh cuộc đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII đã xác định “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một trong bốn nguy cơ.
Đại hội VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “phê phán và bác bỏ những quan điểm sai trái, thù địch, “uốn nắn những nhận thức lệch lạc, những quan điểm mơ hồ, những biểu hiện dao động về tư tưởng, suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng.”
Đại hội IX của Đảng khẳng định phải “đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch”.
Đại hội X của Đảng đã yêu cầu “chủ động và kiên quyết phê phán những quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, góp phần làm thất bại mọi mưu toan “Diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch”.
Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định “kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”.
Đại hội XII yêu cầu “tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”.
Để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Đảng ta cũng nêu rõ phải: “thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”
Như vậy, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là một chủ trương kiên quyết và nhất quán của Đảng ta gắn chặt với cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng thời kỳ đổi mới.
Quyển sách Kiên định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch giới thiệu trong chuyên đề “Giới thiệu sách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trên sóng Truyền hình Hậu Giang.
28 bài viết trong Quyển sách Kiên định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch của Nhà xuất bản Lý luận Chính trị là tư liệu quý, làm sáng tỏ, phản bác những xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Nội dung các bài viết được chắt lọc, bám sát các tài liệu, văn bản chỉ đạo của Đảng. Đây là tài liệu quan trọng giúp mỗi Đảng viên, cán bộ nghiên cứu, học tập và vận dụng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng./.