Thời gian gần đây, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để tiến hành các hoạt động chống phá nhằm gây hoang mang tâm lý, xáo trộn về nhận thức, mơ hồ về tư tưởng cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là giới trẻ. Do đó, công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần được chú trọng.

1. Trong những năm gần đây, bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Xung đột vũ trang xảy ra ở một số nơi; xung đột về quyền lực quốc tế giữa các nước lớn có xu hướng ngày càng gay gắt, quyết liệt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc.

Việt Nam đang ở trong giai đoạn đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau hơn 35 năm đổi mới đã giúp “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, “những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn diễn biến phức tạp. Nghiêm trọng hơn,, một bộ phận cán bộ, đảng viên không vững vàng, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng.

Các thế lực chống đối, thù địch đã lợi dụng bối cảnh trên để công kích, phê phán, lên án mô hình chủ nghĩa xã hội hoặc cổ vũ cho mọi yêu sách ly khai; tán dương nền dân chủ phương Tây như mẫu hình ưu việt cho toàn thế giới hoặc tung hô các khuynh hướng chính trị thân phương Tây. Tiếp tục chống phá quyết liệt những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; ra sức truyền bá tư tưởng chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống tư sản vào xã hội Việt Nam, đặc biệt là tìm cách truyền bá, tác động vào thế hệ trẻ. Xuyên tạc tình hình phát triển của đất nước, hướng lái những tư tưởng và hành động sai trái, chống đối, bất tuân, bạo lực và bạo động; lôi kéo, tập hợp những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị; vận động các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước can dự vào công việc nội bộ của Việt Nam.

2. Trước sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch, Bộ Chính trị khóa XII đã kịp thời ban hành Nghị quyết về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được tiến hành khá bài bản, hệ thống, thường xuyên, bằng nhiều hình thức phong phú. Đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng kênh truyền thông, kết hợp giữa truyền thông truyền thống và truyền thông hiện đại, giữa truyền thông chính thống và phi chính thống.

Các hoạt động tuyên truyền trên sách, báo, tạp chí tiếp tục được đẩy mạnh, với nhiều chuyên mục phù hợp, chuyên sâu về mảng đề tài này. Các đài truyền hình quốc gia và địa phương đã xây dựng các chương trình chính luận có nội dung liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hoạt động tuyên truyền trên Internet và mạng xã hội được đẩy mạnh, với nhiều hình thức đa dạng như: trang thông tin điện tử, website, fanpage, facebook, youtube, zalo…. Nhiều kênh truyền thông có sự lan tỏa rộng trong cộng đồng và đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ngoài các hoạt động tuyên truyền mang tính đại chúng, theo bề rộng, hoạt động tuyên truyền về nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn được tiến hành theo chiều sâu với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, cung cấp “cẩm nang” nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, phương pháp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện Nghị quyết số 35. Đáng chú ý, Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức hàng năm từ 2021 đến nay đã thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và một số học giả, chính khách nước ngoài, tạo ra sự ảnh hưởng và lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội, là hình thức tuyên truyền sáng tạo, thiết thực, hiệu quả về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, nội dung tuyên truyền, định hướng, nhất là trên Internet và mạng xã hội chưa thật phong phú, thiếu chiều sâu, thiếu độ sắc bén và tính chiến đấu, hình thức, phương pháp có lúc chưa thật phù hợp. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động tuyên truyền trên báo chí, các phương tiện truyền thông đôi khi còn lỏng lẻo, thiếu kiểm soát; hiện tượng “câu like”, “câu view”, chạy theo tâm lý đám đông chưa được khắc phục triệt để.

3. Thời gian tới, cấp ủy và Ban Chỉ đạo 35 các cấp cần nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt và sáng tạo công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo đảm thường xuyên, liên tục, với nội dung và hình thức phù hợp, các điều kiện bảo đảm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ này. Chú trọng tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính hiệu quả của công tác tuyên truyền.

Nội dung tuyên truyền cần đổi mới, cập nhật, gắn với những biến đổi nhanh chóng của thực tiễn. Xuất phát từ những thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó dự đoán của thực tiễn. Tiếp tục tuyên truyền những vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung vào những vấn đề cơ bản, trọng tâm trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng; chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch gắn với bảo vệ những quan điểm, chủ trương, chính sách, sự kiện, sự việc cụ thể và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm “lấy xây làm chính”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, hiệu quả, đa dạng, phong phú, gắn với đặc điểm của từng bộ phận quần chúng nhân dân, đổi mới linh hoạt gắn với nhu cầu, thị hiếu và xu hướng của xã hội, ngắn gọn, thiết thực, gần gũi với cuộc sống, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Xây dựng các chiến dịch truyền thông chủ động trong các dịp đất nước có các sự kiện chính trị lớn hay trong những thời điểm khó khăn, nhiều thử thách để các dòng thông tin tích cực trở thành chủ lưu, chiếm lĩnh trận địa thông tin.

Nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước với các hoạt động tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội”.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần phát huy trách nhiệm, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh thông nghiệp vụ, truyền tải đúng đường lối, chủ trương của Đảng, tinh thần của nghị quyết; đảm bảo tính đảng, tính chính trị trong các hoạt động tuyên truyền. Phát triển đội ngũ chuyên gia, lực lượng xung kích để tạo thành mạng lưới tuyên truyền rộng khắp.

Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, xây dựng, phát triển và tăng cường phối hợp các lực lượng trong tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, đẩy mạnh chuyển đổi số để hiện đại hóa các cơ quan, phương tiện truyền thông. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tuyên truyền để kết nối, lan tỏa những nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch sẽ góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

(Theo GS, TS Lê Văn Lợi, Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, số tháng 1/2023)