Cuốn sách“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được công bố nhân dịp 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của người đứng đầu Đảng ta với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn cung cấp những luận cứ xác đáng, thuyết phục để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về nhiệm vụ rất quan trọng này.
1. Nhận diện những quan điểm sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay
Trong cuốn sách, Tổng Bí thư đề cập những quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xuất hiện thời gian qua. Đó là quan điểm cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “cản trở” quá trình phát triển của đất nước, vì không ai còn dám làm việc nữa; cần phải có “trọng tâm”, “trọng điểm”, tránh tình trạng làm tràn lan, ồ ạt kiểu “phong trào”.
Một dạng quan điểm khác cho rằng tham nhũng ở Việt Nam bắt nguồn từ chế độ “tập quyền”, “một đảng” nên “không có thuốc chữa”. Quan điểm này quy chụp rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công vì Đảng cũng suy thoái, tham nhũng, không còn là Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; đồng nhất một số đảng viên, cán bộ tham nhũng, thoái hóa, biến chất với toàn bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một luận điệu nguy hiểm khác quy kết mục đích của phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay là “thanh trừng bè phái”, “đấu đá cục bộ” để xử lý những người không cũng phe nhóm, lợi ích với nhau; việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam hiện nay “không hiệu quả”, “không có chuyển biến”, ngày càng rơi vào “vòng luẩn quẩn”, “bế tắc”!...
2. Luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư đã cung cấp nhiều luận cứ xác đáng, giàu sức thuyết phục để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.
Trước hết, Tổng Bí thư khẳng định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay không những không làm cản trở sự phát triển của đất nước mà còn tạo thêm nhiều xung lực mới cho đất nước phát triển. Đây là khẳng định xuất phát từ thực tiễn và được minh chứng bằng chính thực tiễn. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng giờ đây đã trở thành phong trào, là một động lực to lớn để Việt Nam thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Mặt khác, tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào khi quyền lực chính trị bị tha hóa. Vì thế, những luận điệu cho rằng tham nhũng ở Việt Nam bắt nguồn từ “căn bệnh nan y của chế độ độc Đảng cầm quyền” là phiến diện, quy chụp. Thực chất của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là “trị bệnh cứu người”, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “gặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu tranh giữa các “phe cánh”, hay “đấu đá nội bộ” như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc.
Những kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Việt Nam đạt được thời gian qua đã cho thấy rõ quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là một bước tiến mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, thể hiện quyết tâm cao độ của toàn Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không chỉ thể hiện phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” mà còn khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều cam go, thách thức. Những quan điểm chỉ đạo cùng quyết tâm cao, nỗ lực lớn của đồng chí Tổng Bí thư chính là lời hiệu triệu, là sự cổ vũ, động viên, củng cố thêm niềm tin, gia tăng thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục tham gia tích cực vào nhiệm vụ chính trị quan trọng này./.
(Theo TS Lê Thị Chiên, Tạp chí Lý luận chính trị số 3/2023)