Tôn giáo là một trong nhữn lực lượng xã hội có vai trò quan trọng trong xây dựng, củng cố đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay. Vai trò đó được thể hiện trên những phương diện hoạt động như: Đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đạo đức, lối sống; củng cố cộng đồng; mở rộng đoàn kết quốc tế và đấu tranh chống lại các hoạt động lợi dụng tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Với 26.689.748 tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), trong đó có 57.716 chức sắc, 130.167 chức việc, các tôn giáo ở Việt Nam đang là lực lượng góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố đoàn kết và đồng thuận xã hội.

Một là, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, về tôn giáo vào cuộc sống. Các tổ chức tôn giáo và các chức sắc, chức việc, nhà tu hành là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào có đạo. Chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ đến được với các cộng đồng tín đồ tôn giáo một cách thuận lợi thông qua đường hướng hoạt động, công tác phối kết hợp, qua việc gương mẫu chấp hành và thực thi chính sách, pháp luật của tổ chức tôn giáo. Những năm qua, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều xác định cho mình đường hướng hành đạo tiến bộ, gắn bó, hội nhập với dân tộc.

Hai là, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của các địa phương nói riêng. Các tôn giáo có một nguồn vốn, nguồn lực xã hội (cả về tinh thần và vật chất) rất lớn có thể khai thác, phát huy phục vụ hiệu quả cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên lĩnh vực xây dựng đời sống chính trị, nhiều chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đã tích cực tham gia vào các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị xã hội, nhiều đảng viên là người có đạo đã phát huy tốt vai trò tiên phong, lãnh đạo công tác vận động quần chúng. Trên lĩnh vực xây dựng đời sống kinh tế, các tổ chức và cá nhân chức sắc, nhà tu hành đã nỗ lực góp công, góp vốn tạo nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động tôn giáo và an sinh xã hội. Tôn giáo ở Việt Nam cũng rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xây dựng nhiều cơ sở y tế, bảo trợ xã hội, đóng góp từ thiện xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau. Trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên cả nước và nhiều địa phương, tôn giáo đều có những đóng góp về mặt pháp lý, sáng kiến mô hình…

Ba là, góp phần xây dựng đạo đức, lối sống và củng cố cộng đồng. Những nguyên tắc đạo đức được các tôn giáo đề cao như: Tình thương yêu, lòng từ bi bác ái, bình đẳng xã hội… tôn giáo đã góp phần vào việc cố kết cộng đồng, ổn định xã hội ở những mức độ nhất định. Thực tiễn cho thấy đa số chức sắc, nhà tu hành và đồng bào tôn giáo ở Việt Nam luôn sát cánh, đoàn kết, đồng lòng cùng Nhân dân cả nước trong công việc chung của đất nước. Việc tôn giáo tham gia chống dịch Covid-19 là một ví dụ.

Bốn là, góp phần mở rộng đoàn kết quốc tế và đấu tranh chống lại các hoạt động lợi dụng tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Nhiều tôn giáo có mối quan hệ quốc tế khá rộng, thông qua đó, tăng cường sự hiểu biết của bạn bè thế giới đối với Việt Nam, gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở trong nước và kiều bào nước ngoài. Nhiều chức sắc có uy tín tích cực lên tiếng với cộng đồng quốc tế nhằm phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Sự ủng hộ và đóng góp của tôn giáo càng khẳng định rõ hơn tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

(Theo Hoàng Thị Lan, Chuyên san Những vấn đề lý luận phục vụ lãnh đạo, số 1/2022)